≡ Menu

Bài học của Fred DeLuca, người sáng lập ra Subway

Ngày nay, Subway đã có trong tay hơn 30,000 cửa hàng tại hơn 91 quốc gia trên thế giới, vượt mặt cả MacDonald’s. Nhưng khi Fred DeLuca khai trương cửa hàng bán bánh mì kẹp thịt tại Bridgeport, Connecticut (Mỹ), cậu chỉ đơn giản là một sinh viên đang loay hoay tìm cách kiếm thêm tiền để đóng học phí cho trường đại học.

Gia đình Fred DeLuca cứ vài năm lại chuyển chỗ ở một lần, và tới lần thứ ba họ dời tới Bridgeport, bang Connecticut. Fred DeLuca tốt nghiệp phổ thông tại đây và nộp đơn theo học ngành y tại trường tổng hợp Bridgeport để có được tấm bằng bác sỹ, nhưng rồi khó khăn tài chính khiến cậu phải vắt óc nghĩ cách kiếm tiền trả học phí. DeLuca xin vào làm ở cửa hàng kinh doanh đồ sắt, nhưng số tiền lương ít ỏi $1.25 đô la/giờ quả thực như muối bỏ biển.

Vào đúng thời điểm đó, gia đình Fred DeLuca nhận được một cú điện thoại từ người bạn thân thiết lâu năm là ông Pete Buck, khi đó vừa thay đổi chỗ làm việc và chuyển về gần thành phố hơn. Buck hẹn tới nhà DeLuca chơi. Và vào buổi chiều ngày chủ nhật tháng 7 năm 1965 đáng nhớ ấy, Pete Buck lôi từ trong túi ra một tờ báo có bài viết về Mike Davis, chủ nhân một hệ thống cửa hàng ăn uống.

Bài báo viết “Mike bắt đầu từ hai bàn tay trắng, thế mà 10 năm sau, anh ta là ông chủ của cả hệ thống 32 cửa hàng”. Chuyện trò một lát, Buck gợi ý rằng DeLuca nên mở một cửa hàng bán bánh mỳ kẹp thịt, chỉ thế cậu mới có cơ kiếm đủ tiền đóng học phí. Trong bụng DeLuca thấy đây là một ý tưởng kỳ quặc, nhưng cậu vẫn tò mò hỏi “Thế cháu phải làm gì?”.

Buck giải thích cho chàng thanh niên những nguyên tắc chung của một cửa hàng bán bánh mỳ kẹp thịt. Ông nói với DeLuca rằng cậu chỉ cần thuê một tiệm nhỏ, thiết kế chỗ bán hàng, mua nguyên liệu, và mở cửa hàng, đơn giản có vậy. Nếu DeLuca quyết tâm, ông sẽ giúp vốn ban đầu. Và trước khi đứng dậy ra về, Buck ký một tấm phiếu trị giá $1.000 đô la rồi trao cho DeLuca.

Đó là câu chuyện của ngày chủ nhật. Ngay sáng ngày thứ hai, DeLuca đã sục tìm trong thành phố một địa điểm hợp lý để mở cửa hàng. Thuê được chỗ bán hàng rồi, lại còn cần mua sắm thiết bị. DeLuca rất sáng ý, anh đăng quảng cáo trên báo địa phương “Một sinh viên cần mua tủ lạnh cũ”, và thế là DeLuca sắm được cả vài chiếc tủ lạnh với giá có 10 đô la mỗi chiếc.

Cửa hàng chưa kịp khai trương thì đã có nguy cơ phải đóng cửa vì kẹt tiền. DeLuca phát hiện ra rằng anh cần lắp một chiếc bồn rửa đặc biệt với giá $550 đô la. Thật may là Pete Buck lại im lặng chìa cho DeLuca một tờ ngân phiếu trị giá $1.000 đô la nữa, và công việc tiếp tục tiến triển.

Cuối mùa đông năm sau, DeLuca mở thêm cửa hàng thứ hai cách đó không xa. Nhưng cả hai cơ sở bán bánh mỳ kẹp thịt đều thua lỗ. Bàn với Pete Buck một hồi, DeLuca quyết định rằng cách tốt nhất hiện nay không phải là đóng cửa cả hai cửa hàng, mà là… mở cửa hàng thứ ba. Và quả đúng vậy, chẳng bấy lâu sau, DeLuca bắt đầu thu được những đồng lãi đầu tiên.

Frederick A. DeLuca sinh năm 1948 tại Brooklyn, New York, trong một gia đình di cư người Ý. Mới 10 tuổi, Fred DeLuca đã biết cách kiếm tiền bằng việc lượm vỏ chai xung quanh khu phố. Hai xu cho một chiếc vỏ chai.

Ngày hôm nay, hệ thống cửa hàng Subway đứng thứ ba trên thế giới trong ngành kinh doanh đồ ăn nhanh, và là một trong những công ty tư nhân đa quốc gia lớn nhất toàn cầu với doanh thu hàng năm vượt quá con số 9 tỷ đô la.

Ngay từ lúc bắt tay vào mở cửa hàng, DeLuca đã đặt cho mình mục đích: phải mở được 32 cửa hàng trong vòng 10 năm, tức là lặp lại thành công của chàng Mike Davis mà báo đăng ngày nào.

Khi đã có trong tay 3 cửa hàng, DeLuca nghĩ tiếp: cách duy nhất để đạt được mục tiêu đề ra là nhượng quyền thương hiệu (franchising). Công việc, theo như cách tính toán của DeLuca, không có gì phức tạp: tuyển người, đào tạo họ rồi cho họ độc lập kinh doanh.

DeLuca bắt đầu kế hoạch này bằng cách thuyết phục một người bạn của mình thử nghiệm. Vài năm sau đó, số lượng cửa hàng bán bánh sandwich mang tên Subway bắt đầu nhân lên với tốc độ chóng mặt. Tới năm 1978 có 100 cửa hàng, và chỉ trong vòng 4 năm sau đã có tới 200 cửa hàng mới mở. Năm 1987 công ty đạt tới con số 1.000 cửa hàng. Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm Subway mở thêm 1.000 cửa hàng mới.

Những bài học quý giá của DeLuca

Bài học số 1: Bắt đầu khi hoàn toàn “lạ nước lạ cái” là chuyện rất bình thường

Lịch sử thành công của Subway cho chúng ta thấy một điều thú vị rằng: một doanh nghiệp có thể thành công ngay cả khi anh ta không có bất kỳ kiến thức kinh doanh nào trong lĩnh vực định theo đuổi. Khi DeLuca mở cửa hàng bán sandwich, anh làm hai việc mà trước đó chưa hề làm bao giờ: quản lý kinh doanh và chế biến bánh mỳ kẹp thịt.

Trước khi khai trương cửa hàng đầu tiên, DeLuca và Pete Buck làm một cua vòng quanh các hiệu bán bánh sandwich trong bang để “nghiên cứu kinh nghiệm của đồng nghiệp”.

Họ chăm chú quan sát từng chi tiết, từ cách dùng các gia vị cho tới cách rót dầu lên miếng thịt rán. Những đồng vốn eo hẹp ban đầu không cho phép DeLuca tập làm thử vài lô bánh đầu, anh phải làm ra sản phẩm để có thể bán ngay được cho khách.

Bài học số 2: Hãy đề ra đích cần đạt tới, rồi hãy nghĩ tới việc thực hiện mục tiêu đó

Từ lúc nghe được câu chuyện về chàng Mike Davis, DeLuca lập tức vạch cho mình một kế hoạch rõ ràng: anh phải mở ra 32 cửa hàng trong vòng 10 năm. “Đó là một cái đích mà chúng tôi đề ra một cách rất nghiêm túc ngay từ đầu” – DeLuca nhớ lại “Chúng tôi chưa bao giờ phân vân hay do dự về mục đích này, ngược lại, chúng tôi nhắc đi nhắc lại con số đó như tự nhủ rằng – nếu có người đã đạt được điều đó, có nghĩa là chúng tôi cũng sẽ làm được”.

Khi DeLuca đang hào hứng xây cất cửa hàng bánh sandwich đầu tiên, có người bạn nhắc anh rằng trước hết anh phải được chính quyền thành phố xét duyệt kế hoạch xây dựng. Thế là DeLuca tới phòng thiết kế, vẽ ngay một bản phác trước mặt nhân viên chính quyền, và được ký duyệt.

Bài học số 3: Hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng

DeLuca luôn thử hình dung ra nếu mình là khách hàng, mình sẽ mong muốn cửa hàng phải hoạt động như thế nào. Từ đó anh đề ra những ý tưởng độc đáo.

Ví dụ anh là người nghĩ ra cách xếp nhân bánh ngay trước mặt người mua, để họ thấy và yên tâm rằng cách thành phần của bánh sandwich luôn đảm bảo chất lượng.

Cũng chính DeLuca nghĩ ra việc mở hẳn lò bánh mì riêng để phục vụ cho các cửa hàng của mình, anh còn là người thiết kế ra máy làm bánh mì, đảm bảo rằng bánh mì của Subway có lợi cho sức khỏe hơn so với các loại bánh mì bình thường.

Theo TPO

{ 0 comments… add one }

Leave a Comment